Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Những khoảnh khắc lịch sử và chuyện của một nhà báo

Nhà báo Huỳnh Hiến, nguyên cán bộ Đài Truyền hình Bình Định, là người đã có mặt trong đoàn quân vào tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn năm 1975, cũng là người tham gia vào buổi phát sóng lịch sử của Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng đêm 1-5 và Đài Truyền hình Quy Nhơn đêm 27-12-1975. 29 năm đã qua, nhưng ký ức về những giờ phút lịch sử ấy vẫn còn như nguyên vẹn trong ông…

* Hành binh thần tốc tiếp quản Sài Gòn

Đó là vào đầu năm 1975, khi ấy ông Hiến còn đang làm việc ở Ban Vô tuyến Truyền hình thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước tình hình quân sự ở các mặt trận miền Nam phát triển nhanh, nhiều vùng giải phóng được mở rộng, để chuẩn bị cho việc tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn, được sự chỉ đạo của Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử các đoàn cán bộ của Ban Vô tuyến Truyền hình Việt Nam vào chiến trường. Ông Hiến kể: "Hành lý lúc đó của mỗi chúng tôi chỉ gồm một chiếc ba lô đựng đồ đạc cá nhân, còn lại là phim tư liệu, băng từ ghi nhạc, phim văn nghệ, máy quay phim, chụp hình. Suốt đoạn đường từ Hà Nội vào đến Vĩnh Linh, do đường xấu, nên suốt 2 ngày 2 đêm, chúng tôi đã phải gồng mình lên, cố níu vào thành xe, mui xe để khỏi bị va đầu vào xe, vào thùng hành lý. Qua Vĩnh Linh, đường vào Sài Gòn không còn xốc lắc như trước. Mỗi địa phương đoàn đi qua, tôi cứ có cảm giác như đang sống trong một giấc mơ. Những địa danh này mới tuần trước, hãy còn được nêu trong các thông cáo chiến sự… Nói sao cho hết cái cảm giác của một người xa quê nay về lại đúng vào ngày quê hương vừa mới giải phóng"…

Đúng 12 giờ trưa ngày 1-5, đoàn có mặt tại Sài Gòn. Lúc này, đã có những Đoàn đến trước và đang tích cực chuẩn bị cho buổi phát tối 1-5. Vậy là anh em bắt tay vào làm việc ngay. Ông Hiến kể: "Anh em, ai làm việc nấy. Riêng tôi được phân công làm nhiệm vụ của một phóng viên kiêm biên tập viên, trong đó biên tập viên là chính. Tinh thần lúc này cũng thần tốc chẳng kém lúc hành quân".

Ngoài một số phim của Đài Truyền hình Việt Nam được anh em mang theo và một số đoạn phim được các phóng viên mặt trận quay trên đường theo các cánh quân giải phóng Sài Gòn, những thước phim tư liệu khai thác tại chỗ, anh em trong Đài còn phải chuẩn bị hình hiệu, đài hiệu mới và cả phát thanh viên mới. Hình ảnh bật lên, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng phất phới trên nền nhạc bài hát giải phóng miền Nam thật hào hùng. Tiếp đó là nhật lệnh của Ủy ban Quân quản giải thể Đài Truyền hình ngụy Sài Gòn, tuyên bố hình thành Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng. Rồi một chương trình thời sự nóng hổi với cảnh bộ đội tiến vào Sài Gòn, cảnh nhân dân Sài Gòn đón quân giải phóng và chương trình văn nghệ. Buổi phát sóng ngay vào đêm 1-5 này đã góp phần ổn định tư tưởng cho toàn Nam Bộ. Và khán thính giả Sài Gòn đã rất kinh ngạc. "Đây là Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng" - những âm sắc ấy lần đầu tiên vang lên trên sóng Truyền hình Sài Gòn vẫn còn mãi âm vang trong những khán thính giả của buổi phát sóng đầu tiên cũng như trong chính những người như ông Hiến vốn đã góp phần vào sự thành công của buổi phát sóng lịch sử ấy.

* Và ngày đầu của Đài Truyền hình Quy Nhơn

Có mặt tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn được hơn 4 tháng, tháng 10 năm ấy, ông Hiến lại ra Bắc để nhận quyết định cùng một số cán bộ khôi phục lại Đài Truyền hình Quy Nhơn. Tháng 11 năm 1975, ông Hiến cùng 9 cán bộ khác về nhận công tác tại Đài Truyền hình Quy Nhơn. Ở đây, ông lại bắt tay ngay vào việc chuẩn bị nội dung cho buổi phát sóng thử nghiệm. Tối 27-12, buổi phát hình thử nghiệm đầu tiên của Đài Truyền hình Quy Nhơn được thực hiện. Ông Hiến kể: "Lúc đó, tôi làm chương trình nên phải chuẩn bị rất kỹ, từ ca rô, nền nhạc, hình hiệu, đài hiệu, phát thanh viên, lên chương trình… phải nói thật là khá bài bản". Ông kể tiếp: "Phải nói thật là lúc đầu chương trình cũng còn nghèo nàn, đơn giản. Mà trang thiết bị cũng còn thiếu thốn dữ lắm. Phương tiện, máy móc từ khu trung tâm kỹ thuật đến đài phát, viba hoàn toàn cũ kỹ, chắp vá. Không có phim từ tính, nên quay xong là phát sóng luôn tại chỗ, không có điều kiện sửa chữa, biên tập... nên rất vất vả. Đội ngũ anh em cũng chỉ vào khoảng 40 người, khá ít nhưng nhờ nỗ lực hết sức mình nên chương trình phong phú dần lên". Từ 2 buổi tuần vào tối thứ bảy và chủ nhật trong những ngày đầu, Đài tăng dần thời lượng phát sóng lên 3 buổi/tuần rồi 5 buổi/tuần. Một điều mà ông Hiến vẫn tự hào là ngay từ tháng 12-1975, Đài Truyền hình Quy Nhơn đã sản xuất được chương trình văn nghệ. Lúc này, ông vừa làm phòng chương trình, vừa làm đạo diễn văn nghệ và đến năm 1986, thì chuyển hẳn sang phòng văn nghệ. Đó là giai đoạn hầu như năm nào Đài Truyền hình Quy Nhơn cũng giật được huy chương vàng, bạc, đồng các loại ở các Liên hoan Phim Truyền hình toàn quốc. Đặc biệt, có năm, một chương trình sân khấu đã giành huy chương vàng đầu bảng. Kỷ lục này, tiếc thay đến nay cũng chưa được vượt qua.
         Nhà báo Huỳnh Hiến người đầu tiên từ trái qua với các đồng nghiệp BTV
* Rồi chuyện đời

Nghỉ hưu từ năm 1996, ông Hiến năm nay đã 68 tuổi, nhưng vẫn sống trong ngôi nhà của người mẹ già. Ông vẫn chưa có căn nhà cho mình. "Lúc Nhà nước cấp nhà, cấp đất thì mình chưa nghĩ đến. Bây giờ có nhu cầu thì lại không thuộc diện được cấp nữa"- ông tâm sự rất thật. Hành trang còn lại của ông vẫn là những ký ức. Ký ức về những khoảnh khắc đã đi vào lịch sử của ngành truyền hình, về những ngày đầu phát sóng truyền hình Giải phóng... "Dường như, nhắm mắt lại, tôi vẫn mường tượng ra những bạn bè, đồng chí cũ, vẫn thấy lại những ngày tháng anh em nương vào nhau mà làm việc, mà phấn đấu. Với tôi, đó là tất cả…" - ông tâm sự vậy.

. Khải Nhân

1 nhận xét: