Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Điều ước cuối cùng


Bài viết dành tặng Anh Huỳnh Hiến 
Hà Tùng Sơn
 
Tôi có quen một cậu học trò thành đạt.
Nghe câu này có vẻ không ổn. Đã là thầy thì tất phải biết  trò, sao lại nói là quen. Thực tế một ông thầy dạy vài chục năm có khi trong đầu may lắm cũng chỉ nhớ được vài chục học trò, còn lại là quên hẳn. Thỉnh thoảng đi đó đi đây, chợt có một người lạ tiến lại gần hỏi: Thầy có nhớ em không ạ. Rồi tự giới thiệu em học khóa nào, lớp có những bạn nào, hồi đó thầy dạy em môn... Sau đó thì mới ồ à và nhớ lại.  Đó là chuyện bình thường. Như tôi giờ vẫn nhớ người thầy đầu tiên dạy tôi lớp vỡ lòng là cô giáo tên Na ở Đồng Phú. Giờ ra chơi cô bắt cả lớp từ trai đến gái đều phải tập múa. Nhờ đó mà tôi cũng biết được vài điệu múa cho đến ngày nay. Chẳng hạn điệu múa Một đàn bướm bướm bay… hai tay xòe ra chấp chới. Nhưng chắc chắn là cô giáo Na thì không có chỗ cho tôi trong bộ nhớ của cô. 
Trở lại với cậu học trò thành đạt. Anh này thành đạt gần như trên toàn bộ các mặt của cuộc đời một con người. Có học vị tiến sĩ, dù là Ts của một cái ngành độc nhất vô nhị trên thế giới, chỉ có ở Vn: Ts chuyên ngành xây dựng đảng; chức vụ là tỉnh ủy viên giám đốc trường chính trị của tỉnh – chức này cũng tương đương trưởng ban đảng hoặc giám đốc sở; vợ con gia đình êm ấm; có biệt thự lại có xe hơi riêng ngoài xe công đưa đón hàng ngày. Cuộc đời vậy nghĩ cũng là quá ổn cho một anh vừa là trí thức vừa là quan chức lại cũng vừa là phong lưu khá giả. Tưởng không mong gì hơn nữa.
Tôi quen lại cậu học trò trong một lần đi họp gì đó ở Hà Nội. Đang ăn tối với mấy người nữa trong một nhà hàng của một khách sạn, chợt có một ông ở bàn bên cạnh đi tới chào và hỏi như ở trên: Thầy có nhớ em không ạ. Rồi làm quen lại với nhau. Thầy trò nhận lại nhau từ đó. Thì ra anh học trò cũng ra Hà Nội họp và cùng ở chung khách sạn với tôi.
Ăn uống xong, anh mời tôi ghé phòng anh uống nước nói chuyện cho vui. Anh kể về cuộc sống từ ngày ra trường. Mới đó mà đã hơn hai chục năm rồi.  Ban đầu anh cũng đi dạy văn cho một trường cấp 3 như bao bạn bè khác. Rồi anh được cử làm bí thư đoàn trường, rồi trúng chấp hành tỉnh đoàn; sau lên phó bí thư,  rồi bí thư tỉnh đoàn. Đã lên ghế này thì hiển nhiên cơ cấu vô tỉnh ủy. Mà ở nước ta, vô lọt tỉnh ủy là coi như đã chắc chân hàng cán bộ cốt cán, tệ nhất cũng sẽ làm giám đốc một sở hoặc tương đương. Vì thế, với cái mác tỉnh uỷ viên, sau khi hết tuổi làm cán bộ đoàn, anh được điều về trường đảng tỉnh làm giám đốc. Ở ghế này, nhờ liên kết với phân viện của học viện NAQ để mở các lớp đào tạo tại chức cao cấp LLCT cho cán bộ tỉnh, anh kết hợp làm nghiên cứu sinh  để thành Ts XDĐ như nói ở trên...  
Khi câu chuyện hai thầy trò đã thân tình tôi mới ướm hỏi:
 - Mình thấy cuộc đời ông như vậy là quá ổn, vậy ngoài chuyện sự nghiệp phấn đấu với chức quyền tiền bạc ra, ông còn có ước mơ gì nữa không?
Nghe tôi hỏi, anh học trò bỗng sôi nổi hẳn lên:
 - Còn chứ thầy.
 – Gì vậy?

 - Heroin thầy ạ.
 – Cậu không đùa đấy chứ.
 – Em thề với thầy là em nghiêm túc.
Rồi anh học trò giải thích: Có thể nói mọi thứ khoái lạc trên đời này em đều đã có và nếm trải hết rồi thầy ạ, từ học hành địa vị danh vọng chức quyền tiền bạc đến các thú vui thuộc về con người. Chỉ còn một thứ hê rô in là em chưa biết vì không dám. Người ta bảo cái gì trên đời này cũng đều có thể nếm thử nhưng với heroin thì đừng bao giờ thử dù chỉ một lần nên em không dám. Nghe các nhà văn tả hút một điếu heroin sẽ phê như được lên tiên, em tò mò lắm.
Có lí. Chính tôi cũng đã từng có ý nghĩ như thế.
Hồi còn ở Bình Định tôi chơi rất thân với một ông bạn vong niên hơn tôi cả chục tuổi, là một đồng nghiệp – nhà báo Huỳnh Hiến. Ông này rất lịch lãm và từng trải. Từng lăn lóc với đủ mọi ngóc ngách của cuộc sống, ông kể thời trẻ mới tốt nghiệp khoa văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, được phân về làm phóng viên Đài TNVN, chuyến công tác đầu tiên của ông là lên Lào Cai viết bài về đồng bào vùng cao. Ông được chủ tịch xã mời về nhà ăn ngủ. Đêm mùa đông vùng biên giới rét tê người không ngủ được. Ông chủ nhà thấy vậy kêu dậy châm cho một mồi thuốc vào cái nỏ điếu bảo:
- Thằng cán bộ mày hút đi cho ấm, thuốc phiện tao mới hái ngoài  nương về phơi khô đấy.  
Trong cái lạnh tái tê của  đêm đông, tiếng ông chủ nhà nghe không rõ lắm, anh chàng PV trẻ liền cầm nỏ điếu thuốc phiện lập cập rít một hơi dài. Ông bạn Huỳnh Hiến kể: Rít xong, ông không thấy khói nhả ra đằng mồm hay mũi như người ta hút thuốc lào mà nó trôi tuột vô rồi cuộn cuộn ở trong bụng và nằm luôn trong đó. Một lúc thì thấy người nôn nao, lâng lâng rồi không biết gì nữa. Ông tỉnh dậy sau đó ba ngày. Ba ngày không ăn không uống nằm say điếu thuốc phiện đầu đời. Mở mắt ra thấy ông chủ nhà ngồi bên nhe hàm răng vẩu ám khói vàng khè nhìn ông cười cười với bát cháo trắng bốc khói. Từ đó đến nay ông vẫn chưa dám thử lại một lần nữa cái thứ mà người ta gọi là nàng tiên nâu đó.
Nghe ông đồng nghiệp đàn anh kể mà tôi cũng thấy hấp dẫn. Giá mà mình cũng được một lần như thế nhỉ.
Bây giờ lại nghe tâm sự của cậu học trò thành đạt thấy cậu ta cũng có lí. Tôi hỏi:
- Vậy ông có định thực hiện ước mơ heroin đó không?
- Có chứ thầy. Đợi đến khi thật già lão, sắp chết rồi, em sẽ chuẩn bị sẵn một điếu heroin và hút. Lúc đó cũng chẳng ai can và cũng chẳng còn thời gian sống để mà nghiện ngập nữa. Hút xong lăn đùng ra chết cũng được. Điều ước cuối cùng của em đấy.
Hay!

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

XUÂN VỀ ĐỌC LẠI "MÙA NÀY TRÊN VĨNH SƠN"

                                                           BÀI VIẾT CỦA  HÀ TÙNG SƠN
     Cách đây 26 năm, vào tháng 12 năm 1984, người dân Bình Định lúc bấy giờ vẫn chưa quên không khí náo nức của ngày khởi công công trình thủy điện Vĩnh Sơn, một công trình lớn mở đầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trên quê hương Bình Định nói chung và của huyện miền núi giàu truyền thống cách mạng Vĩnh Thạnh nói riêng.
      Trong sự náo nức và hân hoan chào đón công trình thủy điện lớn của tỉnh nhà, trong âm vang tiếng mìn phá đá mở đường, trong ì ầm tiếng những đoàn xe đi giữa những con đường rừng mới mở, các văn nghệ sĩ  Bình Định đã có nhiều tác phẩm ngợi ca công trình mới.  Trong số đó nổi bật lên bài thơ Mùa này trên Vĩnh Sơn của tác giả Huỳnh Hiến. Một bài thơ giàu nhạc tính và từ ngữ biến tấu rất lãng mạn.
     Theo lời kể của nhà báo Huỳnh Hiến, vào ngày khởi công Thủy điện Vĩnh Sơn, trong vai trò là đạo diễn, anh cùng nhóm phóng viên văn nghệ Đài Truyền hình Quy Nhơn lúc bấy giờ trực thuộc Bộ văn hóa Thông tin lên Vĩnh Sơn thực hiện một chương trình ca nhạc với khung cảnh và lời ca tiếng hát của chính những người cán bộ, công nhân trên công trường. Từ không khí hào hùng của công trình lớn cùng với niềm tự hào về sự đổi thay của quê hương, tứ thơ của Mùa này trên Vĩnh Sơn ra đời. Nhà báo Huỳnh Hiến với những ngày sống trong lán trại công trường, trong tâm trạng của anh công nhân Thủy điện Vĩnh Sơn rời quê biển Quy Nhơn lên sống giữa núi rùng Vĩnh Thạnh, nhớ biển, nhớ người yêu, khiến cho những câu thơ đầu tiên xuất hiện như một lẽ tự nhiên:
                               Xa em anh thấy nhớ
                               Một ngày ta bên nhau
                               Một ngày nghe biển hát
                               Gió ngọt ngào qua mau
      Rồi mạch thơ cứ thế tuôn trào. Những lời thơ sáng đẹp của Huỳnh Hiến đã làm nên những câu thơ đẹp để có được cả một bài thơ đẹp.  Đến bây giờ, sau hơn một phần tư thế kỉ đã đi qua, những câu thơ hồn hậu, ấm áp tình người vẫn để lại nhiều dư ba trong lòng người đọc. Và mỗi lần đọc lại, tôi vẫn như thấy được sự xuất thần của Huỳnh Hiến khi anh viết những câu thơ trong trẻo mà giàu hình tượng: ...Hoa vàng nở sáng rừng; Nắng như sương ướt lá ... Hoặc:  Mưa tràn trắng mặt đường; Sáng như gương lấp lánh... Những câu thơ mà chỉ cần đọc to lên đã thấy nhịp điệu ngân nga như một bản tình ca. Và hình ảnh công trình Thủy điện Vĩnh Sơn cũng hiện ra rất rõ:
                                  Em ơi em có nhớ
                                  Lên cùng anh Vĩnh Sơn
                                  Xem dòng Lơ Pin đổ
                                  Hiểu lòng hồ Đak Phan
     Cứ da diết mãi như thế, cả  bài thơ là lời bày tỏ tình cảm của anh công nhân Thủy điện Vĩnh Sơn với người yêu ở thành phố biển. Đó là hình ảnh của một anh công nhân vừa giàu tình cảm, vừa rất có trách nhiệm với công trình lớn của quê hương: 
                                Em ơi em có nhớ
                                Lên cùng anh ta xây
                                Một công trình rạng rỡ
                                Một mặt trời nơi đây
                                Thương em nhiều -  chưa nói
                                Nhờ dòng sông Kôn xanh                           
                                Đóa lan rừng anh gửi
                                Tỏ lòng hoa thay anh. 
      Huỳnh Hiến làm thơ không nhiều. Thơ anh thường thiên về tính triết lí,  suy luận, mang đậm chất suy tư về cuộc sống. Nhưng riêng ở Mùa này trên Vĩnh Sơn, Huỳnh Hiến đã sáng tác nên một bài thơ đậm chất trữ tình.
     Do sự thành công của Mùa này trên Vĩnh Sơn mà bài thơ sau này đã xuất hiện ở nhiều ấn phẩm trong và ngoài tỉnh. Trong đó đáng kể nhất là ở tập thơ Người áo vải do NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 2000. 




 Nhà báo Huỳnh Hiến trước mộ Hàn Mạc Tử ;  Ảnh: Hà Tùng Sơn


      Cũng theo lời của nhà báo Huỳnh Hiến, bài thơ Mùa này trên Vĩnh Sơn ban đầu chỉ có bảy khổ với mỗi khổ có bốn câu. Nhưng trong một lần gặp gỡ với nhạc sỹ Vũ Trung, ngay khi vừa tiếp xúc với bài thơ,  những giai điệu của một bản tình ca đã ngân nga ở nơi người nhạc sỹ tài hoa này. Với nhịp hai - bốn, Vũ Trung gần như đã phổ nhạc ngay cho bài thơ cất cánh.  Và để cho ca khúc được hoàn chỉnh, tác giả phần nhạc là Vũ Trung đã đề nghị với tác giả phần lời là Huỳnh Hiến sáng tác thêm cho sáu khổ thơ nữa để bài hát có đủ cả lời một lẫn lời hai.  Rồi cứ như thế, Vũ Trung đã đưa nguyên toàn bộ  phần lời của bài thơ vào trong ca khúc của mình, không hề thêm bớt một lời nào, để từ đó, quê hương Bình Định có được một bài hát hay và nhanh chóng đi vào các chương trình ca nhạc trên sân khấu, trên làn sóng phát thanh, truyền hình cũng như trong các hội diễn văn nghệ. Năm 1985, Mùa này trên Vĩnh Sơn đạt giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về công trình Thủy điện Vĩnh Sơn do Sở văn hóa Thông tin Nghĩa Bình tổ chức.  Cũng trong năm 1985, bài hát cũng đã được in trong tập ca khúc Bài ca Vĩnh Sơn do Nhà Văn hóa Trung tâm Nghĩa Bình và Ban Quản lí Công trình Thủy điện Vĩnh Sơn xuất bản..
      Mới đây, trong những ngày đầu năm 2010 này, nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã chi tiền tác quyền cho các tác giả để một lần nữa dàn dựng và đưa ca khúc Mùa này trên Vĩnh Sơn đi tham gia hội diễn văn nghệ của ngành điện lực. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định sự thành công cũng như sức sống mãnh liệt của bài thơ và bài hát Mùa này trên Vĩnh Sơn sau hơn một phần tư thế kỉ đã đi qua.   

     Chúng ta hãy đọc lại toàn bộ bài thơ, cũng là toàn bộ phần lời của bài hát Mùa này trên Vĩnh Sơn của nhà báo Huỳnh Hiến:

MÙA NÀY TRÊN VĨNH SƠN
              I
Xa em anh thấy nhớ
Một ngày ta bên nhau
Một ngày nghe biển hát
Gió ngọt ngào qua mau
Mùa này trên Vĩnh Sơn
Hoa vàng nở sáng rừng
Nắng như sương ướt lá
Thác đổ rền vang xa
Mùa này trên Vĩnh Sơn
Mưa tràn trắng mặt đường
Sáng như gương lấp lánh
Mát dịu trời quê hương
Tiếng chim reo ríu rít
Hương rừng treo trên cây
Mở đường lên chót vót
Ngang tầm tay mây bay
Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh Vĩnh Sơn
Xem dòng Lơ Pin đổ
Hiểu lòng  hồ Đak Phan
Em ơi em có nhớ
Lên cùng ta anh xây
Một công trình rạng rỡ
Một mặt trời nơi đây
Thương em nhiều - chưa nói
Nhờ dòng sông Kôn xanh
Đóa lan rừng anh gửi
Tỏ lòng hoa anh thay
              II
Xa em anh thấy nhớ
Một ngày ta quen nhau
Một ngày nghe biển hát
Thúc giục lòng anh sao
Mùa này trên Vĩnh Sơn
Mưa ngàn trắng mặt đường
Sáng như gương lấp lánh
Mát cả trời quê hương
Tiếng chim reo ríu rít
Hương rừng treo trên cây
Mở đường lên chót vót
Ngang tầm tay mây bay
Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh Vĩnh Sơn
Em là con sông nhỏ
Chảy về hồ Đak Phan
Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh ta xây
Một con đường rộng mở
Cuộc đời đẹp nơi đây
Thương em nhiều chưa nói
Nhờ dòng sông Kôn xanh
Đóa lan rừng anh gửi
Tỏ lòng hoa thay anh.

HTS



     Tác giả, nhà báo Hà Tùng Sơn
         

Những khoảnh khắc lịch sử và chuyện của một nhà báo

Nhà báo Huỳnh Hiến, nguyên cán bộ Đài Truyền hình Bình Định, là người đã có mặt trong đoàn quân vào tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn năm 1975, cũng là người tham gia vào buổi phát sóng lịch sử của Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng đêm 1-5 và Đài Truyền hình Quy Nhơn đêm 27-12-1975. 29 năm đã qua, nhưng ký ức về những giờ phút lịch sử ấy vẫn còn như nguyên vẹn trong ông…

* Hành binh thần tốc tiếp quản Sài Gòn

Đó là vào đầu năm 1975, khi ấy ông Hiến còn đang làm việc ở Ban Vô tuyến Truyền hình thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước tình hình quân sự ở các mặt trận miền Nam phát triển nhanh, nhiều vùng giải phóng được mở rộng, để chuẩn bị cho việc tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn, được sự chỉ đạo của Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử các đoàn cán bộ của Ban Vô tuyến Truyền hình Việt Nam vào chiến trường. Ông Hiến kể: "Hành lý lúc đó của mỗi chúng tôi chỉ gồm một chiếc ba lô đựng đồ đạc cá nhân, còn lại là phim tư liệu, băng từ ghi nhạc, phim văn nghệ, máy quay phim, chụp hình. Suốt đoạn đường từ Hà Nội vào đến Vĩnh Linh, do đường xấu, nên suốt 2 ngày 2 đêm, chúng tôi đã phải gồng mình lên, cố níu vào thành xe, mui xe để khỏi bị va đầu vào xe, vào thùng hành lý. Qua Vĩnh Linh, đường vào Sài Gòn không còn xốc lắc như trước. Mỗi địa phương đoàn đi qua, tôi cứ có cảm giác như đang sống trong một giấc mơ. Những địa danh này mới tuần trước, hãy còn được nêu trong các thông cáo chiến sự… Nói sao cho hết cái cảm giác của một người xa quê nay về lại đúng vào ngày quê hương vừa mới giải phóng"…

Đúng 12 giờ trưa ngày 1-5, đoàn có mặt tại Sài Gòn. Lúc này, đã có những Đoàn đến trước và đang tích cực chuẩn bị cho buổi phát tối 1-5. Vậy là anh em bắt tay vào làm việc ngay. Ông Hiến kể: "Anh em, ai làm việc nấy. Riêng tôi được phân công làm nhiệm vụ của một phóng viên kiêm biên tập viên, trong đó biên tập viên là chính. Tinh thần lúc này cũng thần tốc chẳng kém lúc hành quân".

Ngoài một số phim của Đài Truyền hình Việt Nam được anh em mang theo và một số đoạn phim được các phóng viên mặt trận quay trên đường theo các cánh quân giải phóng Sài Gòn, những thước phim tư liệu khai thác tại chỗ, anh em trong Đài còn phải chuẩn bị hình hiệu, đài hiệu mới và cả phát thanh viên mới. Hình ảnh bật lên, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng phất phới trên nền nhạc bài hát giải phóng miền Nam thật hào hùng. Tiếp đó là nhật lệnh của Ủy ban Quân quản giải thể Đài Truyền hình ngụy Sài Gòn, tuyên bố hình thành Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng. Rồi một chương trình thời sự nóng hổi với cảnh bộ đội tiến vào Sài Gòn, cảnh nhân dân Sài Gòn đón quân giải phóng và chương trình văn nghệ. Buổi phát sóng ngay vào đêm 1-5 này đã góp phần ổn định tư tưởng cho toàn Nam Bộ. Và khán thính giả Sài Gòn đã rất kinh ngạc. "Đây là Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng" - những âm sắc ấy lần đầu tiên vang lên trên sóng Truyền hình Sài Gòn vẫn còn mãi âm vang trong những khán thính giả của buổi phát sóng đầu tiên cũng như trong chính những người như ông Hiến vốn đã góp phần vào sự thành công của buổi phát sóng lịch sử ấy.

* Và ngày đầu của Đài Truyền hình Quy Nhơn

Có mặt tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn được hơn 4 tháng, tháng 10 năm ấy, ông Hiến lại ra Bắc để nhận quyết định cùng một số cán bộ khôi phục lại Đài Truyền hình Quy Nhơn. Tháng 11 năm 1975, ông Hiến cùng 9 cán bộ khác về nhận công tác tại Đài Truyền hình Quy Nhơn. Ở đây, ông lại bắt tay ngay vào việc chuẩn bị nội dung cho buổi phát sóng thử nghiệm. Tối 27-12, buổi phát hình thử nghiệm đầu tiên của Đài Truyền hình Quy Nhơn được thực hiện. Ông Hiến kể: "Lúc đó, tôi làm chương trình nên phải chuẩn bị rất kỹ, từ ca rô, nền nhạc, hình hiệu, đài hiệu, phát thanh viên, lên chương trình… phải nói thật là khá bài bản". Ông kể tiếp: "Phải nói thật là lúc đầu chương trình cũng còn nghèo nàn, đơn giản. Mà trang thiết bị cũng còn thiếu thốn dữ lắm. Phương tiện, máy móc từ khu trung tâm kỹ thuật đến đài phát, viba hoàn toàn cũ kỹ, chắp vá. Không có phim từ tính, nên quay xong là phát sóng luôn tại chỗ, không có điều kiện sửa chữa, biên tập... nên rất vất vả. Đội ngũ anh em cũng chỉ vào khoảng 40 người, khá ít nhưng nhờ nỗ lực hết sức mình nên chương trình phong phú dần lên". Từ 2 buổi tuần vào tối thứ bảy và chủ nhật trong những ngày đầu, Đài tăng dần thời lượng phát sóng lên 3 buổi/tuần rồi 5 buổi/tuần. Một điều mà ông Hiến vẫn tự hào là ngay từ tháng 12-1975, Đài Truyền hình Quy Nhơn đã sản xuất được chương trình văn nghệ. Lúc này, ông vừa làm phòng chương trình, vừa làm đạo diễn văn nghệ và đến năm 1986, thì chuyển hẳn sang phòng văn nghệ. Đó là giai đoạn hầu như năm nào Đài Truyền hình Quy Nhơn cũng giật được huy chương vàng, bạc, đồng các loại ở các Liên hoan Phim Truyền hình toàn quốc. Đặc biệt, có năm, một chương trình sân khấu đã giành huy chương vàng đầu bảng. Kỷ lục này, tiếc thay đến nay cũng chưa được vượt qua.
         Nhà báo Huỳnh Hiến người đầu tiên từ trái qua với các đồng nghiệp BTV
* Rồi chuyện đời

Nghỉ hưu từ năm 1996, ông Hiến năm nay đã 68 tuổi, nhưng vẫn sống trong ngôi nhà của người mẹ già. Ông vẫn chưa có căn nhà cho mình. "Lúc Nhà nước cấp nhà, cấp đất thì mình chưa nghĩ đến. Bây giờ có nhu cầu thì lại không thuộc diện được cấp nữa"- ông tâm sự rất thật. Hành trang còn lại của ông vẫn là những ký ức. Ký ức về những khoảnh khắc đã đi vào lịch sử của ngành truyền hình, về những ngày đầu phát sóng truyền hình Giải phóng... "Dường như, nhắm mắt lại, tôi vẫn mường tượng ra những bạn bè, đồng chí cũ, vẫn thấy lại những ngày tháng anh em nương vào nhau mà làm việc, mà phấn đấu. Với tôi, đó là tất cả…" - ông tâm sự vậy.

. Khải Nhân